Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

5 lý do khiến phụ nữ có con là tài sản nhân sự quý giá

Phụ nữ đã có con thường bị đánh giá thấp ở các môi trường công việc mang nhiều tính cạnh tranh và cần nhiều đầu tư. Tuy nhiên, đây có thể là một sai lầm, bởi ở họ có những phẩm chất và kỹ năng mà một người chưa từng làm mẹ khó lòng có được.



Việc có con, đặc biệt con nhỏ có thể khiến người phụ nữ vất vả, bận rộn hơn, nhưng đồng thời cũng đem đến cho họ những phẩm chất quý giá mà những nhân viên son rỗi không thể có được. Dưới đây là 5 thế mạnh chỉ có ở các bà mẹ đi làm:

Hiệu quả công việc cao

Theo khảo sát, 2 trong số 5 nhà quản lý được hỏi cho rằng các bà mẹ làm việc nhanh hơn những người khác. Vốn thời gian trở nên ít ỏi hơn khi có con nên tôn chỉ của họ là độ hiệu quả và tính quyết định trong từng bước đi, "trì hoãn" không nằm trong từ điển của họ. Kỹ năng quản lý, sắp xếp thời gian là điểm mạnh của hầu hết tất cả các bà mẹ và trong môi trường làm việc, điều này thậm chí sẽ hỗ trợ cho cả các đồng nghiệp.

Không vướng vào rắc rối tình cảm nơi công sở

Công việc, con cái, gia đình và chăm sóc bản thân - những bà mẹ đi làm không có thời gian để phí phạm, họ không muốn vướng vào các rắc rối không cần thiết ở nơi làm việc. Với họ, một giấc ngủ ngắn còn đáng quý hơn là mấy trò tán tỉnh lãng mạn.

Rộng lượng hơn, chịu áp lực tốt hơn

Các bà mẹ đã được rèn luyện tính kiên nhẫn và thái độ tích cực để luôn giữ được nụ cười trước những khó khăn, bỏ qua mọi sự ích kỷ và trở nên rộng lượng hơn với những thiếu sót của người khác. Giữ cân bằng giữa công việc, chăm sóc con cái, gia đình là một trong những việc áp lực nhất mà một người có thể đảm trách. Thay vì chỉ trích, than vãn, họ sẽ tìm cách để cải thiện tình hình càng nhanh càng tốt.

Được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề

Dỗ dành một đứa trẻ hay "đối phó" với tuổi dậy thì nổi loạn là một công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng phối hợp (lúc nào cần cương, lúc nào cần nhu) và tính sáng tạo ở mức độ cao. Khi đối mặt với những khó khăn trong công việc, khả năng giữ bình tĩnh và tốc độ giải quyết vấn đề của họ sẽ làm các nhà quản lý phải lấy làm vừa lòng, nếu không muốn nói là ngạc nhiên.

Tận tâm với công việc

Công việc mang tới cho những người phụ nữ này động lực mới, đưa họ ra khỏi vòng luẩn quẩn, bí bách của cơm nước, nhà cửa, tã bỉm hay những lời tranh cãi của đứa con đến tuổi dậy thì. Đổi lại, đã nhận trách nhiệm cho đời sống đầy đủ của con cái, ý thức với công việc của họ cũng tăng lên, họ sẽ tận tâm hơn để không chỉ duy trì mà còn phát triển sự nghiệp của mình.

(Nguồn: Guardian)
Theo Hồng Hạnh / MASK Online

Tại sao bạn chưa được thăng tiến

Có nhiều người đặt cùng 1 câu hỏi với tôi là tại sao tôi làm rất rất nhiều, rất cố gắng nhưng mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa được thăng tiến?

Thăng tiến không phải là điều tự nhiên có mà đó là một kế hoạch mà bạn phải nỗ lực không ngừng. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin liệt kê ra những yếu tố mà nếu bạn đã đạt được nó thì chuyện thăng tiến là chuyện sớm muộn mà thôi. Nếu chưa đạt được 1 trong các yếu tố dưới đây, hãy cố gắng tìm hiểu và thực hành nó.

1. Bạn có năng lực đặc biệt gì?
Bạn đã xác định năng lực của mình chưa? Bạn là chuyên gia trong lĩnh vực nào? Nếu bạn không trả lời được câu hỏi này, chắc chắn sếp bạn cũng không biết.
Để chuẩn bị các bước thăng tiến, bạn phải đáp ứng được Kiến thức - thái độ - Kỹ năng của vị trí mà bạn đang nhắm tới.
Kiến thức - Bạn biết bạn sẽ làm gì
Kỹ năng - Bạn biết bạn làm như thế nào để trở nên xuất sắc
Thái độ - Bạn thể hiện sự đam mê với công việc như thế nào.

2. Bạn có điều gì để đảm bảo cho vị trí mới
Hãy tự trả lời câu hỏi này một cách nghiêm túc. Nếu bạn đã có năng lực đặc biệt nổi trội ở mục 1 thì điều gì đảm bảo bạn qua vị trí mới sẽ làm tốt. Hãy chuẩn bị cho mình đủ tố chất và những bằng chứng để sếp bạn có thể thấy điều này.

3. Động lực của bạn nếu ở vị trí mới là gì?
Bạn có năng lực rồi đấy, bạn có khả năng có thể thành công rồi đấy, nhưng động lực để bạn vào vị trí mới là gì? Tiền bạc? giải quyết khâu "Oai" hay bạn thật sự muốn cống hiến ở vị trí mới. Hãy tìm câu trả lời thực chất cho vấn đề này.

4. Giữa rất nhiều người tài trong công ty, bạn có đủ năng lực cạnh tranh không?
Năng lực là một chuyện, nhưng năng lực để cạnh tranh là việc khác. Cạnh tranh không có nghĩa là bất chấp thủ đoạn, cạnh tranh tích cực là điều mà tất cả nhà quản trị   nhân sự   nào cũng mong muốn có trong tổ chức. Hãy luôn trau dồi học tập và rèn luyện để biến bạn là đỉnh của đỉnh. Chỉ như thế bạn mới có cơ hội "bay vút".

5. Bạn đã tạo cho mình thương hiệu chưa?
Dù bạn có kỹ năng, học tập thật nhiều nhưng chẳng ai biết bạn thì điều đó là vô nghĩa. Hãy tạo cho mình một thương hiệu tích cực mà ai nhắc đến cũng sẽ liên tưởng đến năng lực của bạn. Hãy tham khảo bài viết về xây dựng thương hiệu cá nhân của tôi.

6. Bạn có phải là người biết chơi trong đội không?
Kỹ năng làm việc với con người và phối hợp đội nhóm là kỹ năng quan trọng nhất của người quản lý. Nếu bạn muốn thăng tiến và làm quản lý, điều bắt buộc là phải có kỹ năng này. Để phát triển kỹ năng này không khó, hãy luôn là người tiên phong trong các hoạt động của nhóm, từ hoạt động thực tiễn sẽ đúc kết cho bạn kinh nghiệm làm việc với nhóm và hợp tác với con người như thế nào.

7. Bạn thể hiện bạn như thế nào trong công việc?
Trong công việc bạn có luôn thể hiện là người tuân thủ đúng tiến độ, làm việc có chất lượng hay không? Bạn có biết thể hiện điểm mạnh của mình trong tập thể. Trong công tác quản lý, tôi thấy nhiều người vì điều này mà "đạp đổ" người khác. Với nhóm người này, không sớm thì muộn lãnh đạo của họ cũng sẽ nhận ra. Lời khuyên chân thành là hãy phát huy mặt tích cực một cách tự nhiên. Nếu bạn giỏi, bạn sẽ được nhìn nhận là giỏi, nhưng hãy thể hiện nó một cách nghiêm túc và trung thực.

8. Bạn đã hiểu sếp của bạn chưa?
Đây là điều mà nhiều người muốn thăng tiến nhưng lại "quên". Trong công việc không khác gì thương trường. Bạn thật ra đang bán kỹ năng của mình. Do đó, bạn phải hiểu khách hàng (sếp) của bạn. Hiểu là để nói cùng tiếng nói, hành động cùng quan điểm chứ không phải tìm hiểu để "nịnh nọt" bạn nhé. Hãy nhớ câu này: giúp sếp là tự giúp mình.
Hiểu về sếp không chỉ là hiểu tính tình mà còn hiểu một cách  rõ ràng những chỉ số thành công theo quan điểm của cấp trên của bạn. Tiêu chuẩn thành công của bạn là gì? Tiêu chuẩn của vị trí mới là gì..? Và các tiêu chuẩn này không phải của bạn, hãy suy nghĩ theo cách nghĩ của sếp về tiêu chuẩn.


9. Bạn đã biết cách đàm phán chưa?
Trong cuộc sống không ai cho ai không cái gì. Đây là sự thật, dù hơi "phũ phàng" nhưng nó là sự thật. Do đó, để thăng tiến bạn phải biết cho và biết "đòi". Tất cả phải dựa trên thái độ cùng thắng (win-win). Hãy học cách đàm phán, nó sẽ có ích với bạn rất nhiều trên con đường sự nghiệp.

10. Hãy biết tận dụng thời điểm đánh giá
Thời điểm đánh giá đối với nhiều người là những giây phút nặng nề, nhưng với một người có năng lực và mong muốn thăng tiến như bạn, hãy xem thời điểm này là cơ hội của bạn. Hãy lắng nghe thật cẩn thận những gì sếp của bạn nói, hãy đặt câu hỏi một cách chân thực về những yêu cầu và tiêu chuẩn công việc. Hãy dùng kỹ năng đàm phán bạn đã chuẩn bị ở mục số 9 để đặt vấn đề nếu bạn cho  rằng cần thiết.

11. Hãy tìm hiểu thị trường lao động?
Tại sao tìm hiểu thị trường lao động lại là một phần trong bước đường thăng tiến? Thật vậy, nếu bạn nắm rõ thị trường lao động đối với khối công việc của bạn là khan hiếm và để tuyển được 1 người như bạn là cực kỳ khó khăn thì hãy tận dụng nó để đưa lên bàn đàm phán. Lưu ý lại nguyên tắc win-win nhé.


12. Cuối cùng bạn có chắc rằng vị trí bạn muốn là vị trí bạn thật sự cần và hạnh phúc với nó?
Nhiều người phớt lờ điều này nhưng điều này là tối quan trọng. Bạn hãy tưởng tượng, bạn bỏ ra rất nhiều công sức và sự cố gắng nhưng cuối cùng vị trí bạn đạt được lại không phải là vị trí bạn mong muốn, khi đó hạnh phúc nhất thời tan biến, bạn lại mắc kẹt ở vị trí mới. Bạn nên nhớ điều này: thăng tiến là con dao 2 lưỡi, là thành công của người này nhưng là bước đầu tiên của thất bại đối với người khác.

Dũng Nguyễn - quantrinhansu.Com.Vn

0 nhận xét :

Đăng nhận xét